4 PHONG CÁCH NỘI THẤT KHÔNG BAO GIỜ LỖI MỐT

Nội thất là linh hồn của mỗi căn nhà nhưng để bố trí nội thất tinh tế và thống nhất phong cách không phải điều đơn giản. Dưới đây là một vài phong cách nội thất kinh điển cũng như các mẹo phối đồ nội thất giúp ngôi nhà của bạn không bao giờ “lạc quẻ”.

Phong cách tối giản

Phong cách Minimalism (tối giản, tối thiểu) có thể hiểu là đi đến tận cùng của sự đơn giản, đơn giản hết mức có thể. Phong cách tối giản thích hợp với những không gian nhỏ. Các kiến trúc sư Nhật được coi là bậc thầy của phong cách tối giản. Có thể thấy ở các thành phố lớn ở Nhật, nơi giá nhà đất vô cùng đắt đỏ, phong cách này được vận dụng vô cùng hiệu quả. 

phong cách tối giản
Nội thất phong cách tối giản chưa bao giờ lỗi mốt. Ảnh: Flexfit

Không gian của phong cách tối giản có tính cân bằng, tĩnh tại, thuần khiết, được tạo nên bởi những mảng tường, mảng trần phẳng, đồng nhất, những đường thẳng, những hình khối đơn giản và những khoảng trống lớn.

Để tạo không gian thoáng, các đồ trang trí được hạn chế tối đa. Theo phong cách nội thất này, đồ dùng như bàn, ghế, tủ… cũng được thiết kế đơn giản, hạn chế các chi tiết, màu sắc quá chói.

Để đảm bảo nội thất thống nhất đi theo phong cách Minimalism, bạn nên lưu ý sử dụng không quá ba màu trong không gian nội thất theo phong cách này: Một màu nền, một màu chủ đạo và một màu nhấn.

Mẹo nhỏ để nội thất tối giản không nhàm chán đó là phối hợp tinh tế các loại đèn trang trí, giúp tạo nên không gian ấm áp và hiệu ứng ánh sáng thú vị.

Phong cách tân cổ điển

Đây là phong cách coi trọng các chi tiết trang trí, có phần đối lập với phong cách tối giản. Vẻ đẹp quý phái, sang trọng và lịch lãm vượt thời gian khiến phong cách tân cổ điển được yêu thích trong nhiều căn nhà Việt.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG AT ARCHITECTS
Phong cách tân cổ điển với vẻ đẹp sang trọng, quý phái được nhiều gia chủ ưa thích. Ảnh: Flexfit

Các màu sắc chủ đạo để phối hợp cho phong cách tân cổ điển là trắng, kem, vàng kem. Một số màu tạo cảm giác sang trọng, đẳng cấp cũng có thể được phối cùng như đen, xám, xanh rêu, đỏ booc-đô. Điều quan trọng để tạo nên chất tân cổ điển là những chất liệu sử dụng cho phong cách này. Bạn đừng quên những chất liệu cao cấp như da, đá hoa cương, lụa… chính là yếu tố không thể thiếu trong không gian nội thất tân cổ điển.

Phong cách tân cổ điển chú trọng các chi tiết trang trí như phào, chỉ trên trần, viền trang trí trên tường. Những chi tiết này có tác dụng ngăn cách các không gian, đồng thời tạo sự hài hòa với đồ dùng nội thất.

Phong cách Bắc Âu

Phong cách Bắc Âu (Scandinavian) được nhiều gia chủ ưa thích, đặc biệt là chủ các căn hộ chung cư.

căn bếp phong cách scandinavian
Căn bếp gồm tủ bếp trắng kết hợp nền vân gỗ sáng màu tiêu biểu cho phong cách Scandinavian. Ảnh: Flexfit

Điểm nổi bật của phong cách nội thất này là sử dụng đường nét hiện đại, hình khối đơn giản, gam màu sáng cùng vật liệu tự nhiên… Tất cả những yếu tố này khiến thiết kế nội thất Scandinavian vừa mang vẻ phóng khoáng, hiện đại, vừa không kém phần lãng mạn và tinh tế.

Để tạo nên một tổng thể đúng chất Scandinavian, đừng quên những gam màu như trắng, xám, kem hay nâu nhạt. Những màu sắc này áp dụng trong màu sơn tường, gỗ ốp nền, hệ tủ bếp… sẽ tạo không gian rộng, thoáng và tràn ngập ánh sáng.

Có nhiều cách để tạo điểm nhấn và chăm chút không gian nội thất với những màu nhẹ nhàng nhưng không tạo cảm giác đơn điệu. Có thể chỉ là những chiếc đèn trang trí lạ mắt, hoặc vài khung tranh canvas khổ lớn, chậu cây xanh… cũng đủ làm tăng nét cá tính cho thiết kế.

Phong cách công nghiệp

Đúng như tên gọi của nó, phong cách nội thất công nghiệp chú trọng vào những chi tiết hơi có phần “thô ráp” như bức tường gạch không trát, bề mặt tủ bếp giả xi măng, chao đèn, chân ghế bằng sắt…

phong cách công nghiệp
Nhiều gia chủ đã mạnh dạn thử nghiệm phong cách công nghiệp trong thiết kế nội thất. Ảnh: Flexfit

Điều đáng lưu ý nhất của phong cách nội thất này là gia chủ nếu đã lựa chọn thì nên theo đuổi “công nghiệp” một cách triệt để. Phong cách công nghiệp ưu thế ở những màu sắc mạnh, đường nét khỏe khoắn. Vì thế nếu cả căn hộ chỉ có một bức tường giả xi măng, một vài chao đèn sắt… còn lại toàn bộ nội thất đi theo phong cách nhẹ nhàng, lãng mạn thì sẽ tạo ra sự xung đột lớn.

Khi biết tiết chế và phối hợp hài hòa các màu sắc, xử lý giải pháp không gian một cách thông minh, nội thất phong cách công nghiệp sẽ giúp căn nhà của bạn hoàn toàn cá tính và khác biệt.

Tư vấn nội dung: Flexfit.vn